Nguồn: CNBC

Tác giả: Anniek Bao

Khi thuế quan bóp nghẹt nhu cầu nước ngoài, Trung Quốc đang thúc đẩy các nhà xuất khẩu chuyển hướng bán hàng trong nước – động thái có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào vòng xoáy giảm phát sâu hơn, vốn đã chịu áp lực từ tiêu dùng yếu và dư thừa công suất.

Dự báo cả năm 2025, Goldman Sachs kỳ vọng lạm phát bán lẻ của Trung Quốc giảm xuống 0%, từ mức tăng 0,2% năm 2024, trong khi giá bán buôn giảm 1,6% so mức giảm 2,2% năm ngoái.

Bất chấp những lời kêu gọi kích thích mạnh mẽ hơn, nhiều nhà kinh tế tin rằng Bắc Kinh có thể sẽ chờ đợi các dấu hiệu suy thoái kinh tế cụ thể trước khi sử dụng các biện pháp tài khóa mạnh tay.

Làn sóng hàng giảm giá tràn về nội địa

Khi thuế quan cao ngất ngưởng chặn đơn hàng Mỹ, Trung Quốc đang nỗ lực giúp các nhà xuất khẩu chuyển hướng bán hàng về thị trường nội địa – động thái đe dọa đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào vòng xoáy giảm phát sâu hơn.

Các chính quyền địa phương và doanh nghiệp lớn đã lên tiếng ủng hộ việc giúp các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế quan chuyển hướng sản phẩm về bán trong nước. Các gã khổng lồ thương mại điện tử như JD.com, Tencent và Douyin (phiên bản TikTok Trung Quốc) đang tích cực quảng bá các mặt hàng này tới người tiêu dùng nội địa.

Thứ trưởng Thương mại Thịnh Thu Bình trong tuyên bố tháng trước mô tả thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc là “tấm đệm” quan trọng giúp các nhà xuất khẩu vượt qua cú sốc bên ngoài, đồng thời kêu gọi chính quyền địa phương phối hợp ổn định xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng.

“Hệ quả phụ là cuộc chiến giá khốc liệt giữa các doanh nghiệp Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Barclays – Yingke Zhou nhận định.

JD.com đã cam kết 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) hỗ trợ nhà xuất khẩu và lập riêng khu vực bán hàng trên nền tảng dành cho sản phẩm ban đầu nhắm tới người mua Mỹ, với mức giảm giá lên tới 55%.

Theo Zhou, dòng hàng giảm giá dành cho thị trường Mỹ đổ về cũng sẽ bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp, từ đó gây áp lực lên việc làm. Triển vọng việc làm bất ổn và lo ngại về thu nhập vốn đang đè nặng lên nhu cầu tiêu dùng yếu ớt.

Chỉ số giá lao dốc

Sau khi dao động quanh mức 0 trong năm 2023-2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã rơi vào vùng âm, giảm liên tiếp hai tháng vào tháng 2 và 3. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 giảm 2,5% so cùng kỳ – tháng giảm thứ 29 liên tiếp và mức giảm mạnh nhất trong 4 tháng.

Nhóm kinh tế gia Morgan Stanley dự báo giảm phát giá bán buôn Trung Quốc có thể sâu thêm lên 2,8% vào tháng 4 từ mức 2,5% tháng 3. “Chúng tôi tin tác động thuế quan sẽ nghiêm trọng nhất trong quý này khi nhiều nhà xuất khẩu ngừng sản xuất và vận chuyển hàng sang Mỹ”.

Goldman Sachs dự báo CPI cả năm 2025 của Trung Quốc về 0% từ mức tăng 0,2% năm 2024, trong khi PPI giảm 1,6% so mức giảm 2,2% năm ngoái.

“Giá cả sẽ phải giảm để người mua nội địa và các thị trường khác hấp thụ lượng cung dư thừa từ đơn hàng Mỹ”, chuyên gia Shan Hui nhận định, đồng thời cảnh báo năng lực sản xuất khó điều chỉnh kịp trước đợt tăng thuế đột ngột, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất một số ngành.

Goldman dự báo GDP thực tế Trung Quốc năm nay chỉ tăng 4%, thấp hơn mục tiêu “khoảng 5%” của chính phủ.

Cuộc chiến sinh tồn

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc lên 145% trong năm nay – mức cao nhất trong một thế kỷ, khiến Bắc Kinh trả đũa bằng mức thuế bổ sung 125%. Các mức thuế “ngăn sông cấm chợ” này đã tác động mạnh đến thương mại song phương.

Theo ông Shen Meng – Giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co (Bắc Kinh), các nỗ lực hỗ trợ nhà xuất khẩu tiêu thụ hàng tồn do thuế quan Mỹ của chính phủ chỉ là giải pháp tình thế.

Việc mất thị trường Mỹ làm gia tăng sức ép lên các nhà xuất khẩu Trung Quốc, chồng chất lên nhu cầu nội địa yếu, cuộc chiến giá khốc liệt, biên lợi nhuận mong manh, thanh toán chậm và tỷ lệ trả hàng cao.

“Với những nhà xuất khẩu từng định giá cao cho người tiêu dùng Mỹ, bán hàng trong nước chỉ là cách xả kho hàng ứ đọng và giảm áp lực dòng tiền ngắn hạn”, Shen nói: “Gần như không có lợi nhuận”.

Theo Shen, biên lợi nhuận bị siết chặt có thể buộc một số công ty xuất khẩu đóng cửa, trong khi số khác chấp nhận lỗ chỉ để duy trì hoạt động nhà máy.

Khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất, hệ lụy sẽ lan sang thị trường lao động. Chuyên gia Shan Hui ước tính 16 triệu việc làm (hơn 2% lực lượng lao động Trung Quốc) liên quan đến sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Tuần trước, chính quyền Trump chấm dứt quy định miễn thuế “de minimis” vốn cho phép các hãng thương mại điện tử như Shein, Temu gửi bưu kiện giá thấp vào Mỹ mà không phải chịu thuế.

Bà Wang Dan – Giám đốc Trung Quốc tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cảnh báo: “Việc bãi bỏ quy định de minimis cùng dòng tiền suy giảm đang đẩy nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đến bờ vực phá sản”, đồng thời cho biết tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng tại các khu vực phụ thuộc xuất khẩu.

Bà ước tính tỷ lệ thất nghiệp đô thị trung bình năm nay đạt 5,7%, cao hơn mục tiêu chính thức 5,5%.

Sức mạnh kích thích của Bắc Kinh

Xuất khẩu tăng mạnh những năm qua giúp Trung Quốc bù đắp tác động từ đổ vỡ bất động sản – vốn đã ảnh hưởng đến đầu tư, tiêu dùng, gây sức ép lên ngân sách nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Theo chuyên gia Ting Lu – Kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Nomura, khủng hoảng bất động sản cùng thuế quan Mỹ khắc nghiệt đồng nghĩa “nền kinh tế sẽ đồng thời hứng chịu hai cú sốc lớn”, cảnh báo nguy cơ “cú sốc cầu tồi tệ hơn dự kiến”.

Dù vậy, nhiều nhà kinh tế tin Bắc Kinh sẽ chờ các dấu hiệu suy thoái rõ rệt trước khi tung đòn kích thích tài khóa mạnh.

“Giới chức không coi giảm phát là khủng hoảng, mà xem giá thấp như đệm đỡ hỗ trợ tiết kiệm hộ gia đình trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế”, bà Wang Dan nhận định.

Khi được hỏi về tác động cạnh tranh trong nước, Giáo sư Justin Yifu Lin (Đại học Bắc Kinh) cho biết chính phủ có thể sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ và các biện pháp mục tiêu khác để tăng sức mua.

“Thách thức Mỹ đối mặt lớn hơn Trung Quốc”, ông nói với phóng viên ngày 21/4, đồng thời kỳ vọng tình hình thuế quan hiện tại sẽ sớm được giải quyết (dù không đưa khung thời gian cụ thể). Theo ông, trong khi Trung Quốc duy trì năng lực sản xuất, Mỹ sẽ mất ít nhất 1-2 năm để tái sản xuất trong nước – đồng nghĩa người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu cảnh giá cao trong thời gian chờ đợi.

By Admin

Related Post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *